Nông nghiệp hữu cơ được tạo ra nhằm những mục đích gì?

Kể từ năm 1990, thị trường thực phẩm hữu cơ đã phát triển nhanh chóng, đạt 63 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2012. Nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng được ưa chuộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu người ta trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ là để làm gì hay chưa?

 

 

(Ảnh minh họa)

Theo Chỉ tiêu Hữu cơ (Organic Standard) của Hiệp hội Nông nghiệp Bền vững Quốc gia Australia (NASAA), nông nghiệp hữu cơ có 15 mục đích chính như sau:

1/ Sản xuất được sản lượng tối ưu, sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, vừa bảo vệ được môi trường.

2/ Sản xuất các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với các loại thực phẩm thông thường.

3/ Canh tác trong môi trường tự nhiên, với mục đích bảo vệ, làm giàu cho môi trường đó.

4/ Cải thiện năng suất của đất trồng.

5/ Khuyến khích việc sử dụng đất trồng, nguồn nước và hạt giống hiệu quả, đồng thời giảm thiểu đến mức tối đa các ảnh hưởng tiêu cực của việc canh tác lên hệ sinh thái dưới nước và trên cạn.

Đất trồng hữu cơ không cho phép sử dụng thuốc trừ sâu nói chung. (Ảnh minh họa)

6/ Tăng thêm thu nhập cho người nông dân và cho các nhà phân phối của địa phương.

7/ Tái chế, tiết kiệm tài nguyên một cách hiệu quả nhất có thể.

8/ Gia tăng độ phì nhiêu của đất canh tác bằng các biện pháp truyền thống, biện pháp sinh học (dùng phân bón từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn,… chứ không dùng phân bón tổng hợp) hay biện pháp cơ học.

9/ Bảo vệ môi trường sống của thực vật & động vật hoang dã. Duy trì và khuyến khích sự đa dạng trong đời sống tự nhiên trên đất trồng hay đất chăn nuôi. (VD: Bò Úc hữu cơ của trang trại OBE Organic được ăn tới 250 loại cỏ & thực vật giàu dinh dưỡng khác nhau).

Đồng cỏ chăn nuôi gia súc hữu cơ cũng không được phép sử dụng các loại chất hóa học. (Ảnh minh họa)

10/ Tối ưu hóa cơ hội để chất dinh dưỡng có thể “xoay vòng” trong quá trình nuôi trồng hoặc chăn nuôi (VD: Bò ăn cỏ hữu cơ rồi sản xuất phân bón sạch cho cây trồng).

11/ Cung cấp cho gia súc chăn nuôi toàn bộ những gì chúng cần để chúng có thể thoải mái sinh hoạt gần như cách chúng sinh hoạt trong tự nhiên. (VD: Bò Úc hữu cơ của trang trại OBE Organic được thả rông tự do cả ngày để chúng có thể sinh tồn một cách tự nhiên, giảm stress).

12/ Duy trì hoặc gia tăng sự đa dạng sinh học của thực vật, động vật và các sinh vật khác trên đất trồng hoặc đất chăn nuôi.

Đàn bò Úc thả rông tại trang trại hữu cơ OBE Organic. (Ảnh: OBE Organic)

13/ Bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho những người nông dân nuôi trồng sản phẩm hữu cơ. (VD: Họ sẽ không phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, hóc môn tăng trưởng,… trong quá trình làm việc).

14/ Phát triển, nhân rộng hệ thống nông nghiệp hữu cơ tại khắp mọi nơi.

15/ Làm nông nghiệp hữu cơ không có nghĩa là những người nông dân hay nhà sản xuất không coi trọng nông nghiệp truyền thống. Nhận ra được tầm quan trọng của việc bảo tồn và học tập được từ các phương pháp nông nghiệp truyền thống chính là mục đích cuối cùng của nông nghiệp hữu cơ.

Nguồn: Section 1.4 NASAA Organic Standard, USDA, OBE Organic

Linh Đặng (Dịch)

Bình luận của bạn